Vừa qua, Hội thảo “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Khủng hoảng hậu đại dịch cho thấy, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu cho mọi doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Việt nói riêng. Trong đó, chỉ số ESG (Environmental – Môi trường, Social – Xã hội và Governance – Quản trị doanh nghiệp) trở thành công cụ quan trọng đánh giá mức độ trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp, tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Các diễn giả giải đáp các câu hỏi về ESG tại Hội thảo
Thuật ngữ ESG được xuất hiện từ năm 2004 ở lĩnh vực tài chính khi Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc đưa ra với mong muốn áp dụng môi trường, xã hội và quản trị vào các lĩnh vực phân tích, quản lý tài sản và môi giới chứng khoán; sau đó, dần dần phổ biến ở các lĩnh vực khác.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Võ Trường An – Phó TGĐ Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm môi trường và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Khu công nghiệp (KCN), dù đóng góp lớn cho kinh tế, cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang hướng tới xây dựng các KCN xanh, bắt đầu từ mô hình KCN sinh thái như đã quy định trong pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp trong KCN phải nâng cao năng lực, đặc biệt là trong việc đo lường và báo cáo lượng khí nhà kính thải ra. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu rõ tình hình hiện tại và xây dựng kế hoạch giảm phát thải một cách hiệu quả, góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
“Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như phát triển giao thông công cộng và giao thông thông minh, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, quản lý tài nguyên nước hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, đồng thời xử lý chất thải hiệu quả và giảm thiểu lượng chất thải. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này”, ông An cho biết.
Ông Nguyễn Võ Trường An – Phó TGĐ Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) trình bày tham luận tại Hội thảo
Ths. Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam trình bày tổng quan về ESG thế giới và bối cảnh Việt Nam, qua đó cho thấy Việt Nam đang ở phía sau khá xa so với thế giới và khu vực trong việc thực hiện ESG. Ông cũng nêu các giải pháp để vượt qua cạm bẫy để không thuộc nhóm “tẩy xanh” – thực trạng khá phổ biến hiện nay.
Nhiều khảo sát cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Cụ thể là, Báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của UOB đã thực hiện khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp ASEAN và Trung Quốc cho thấy 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững.
Không chỉ dừng lại ở đó, mặc dù gặp phải nhiều rào cản và ESG mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã dần cam kết và thực hiện ESG. Cũng trong báo cáo của UOB, Việt Nam cùng với Thái Lan được đánh giá là 2 quốc gia dẫn đầu về áp dụng tính bền vững, với 51% đã bắt đầu thực hành các hoạt động bền vững.
Trong Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PwC với sự tham gia của 234 doanh nghiệp tại Việt Nam từ tháng 5/8/2022, thì có đến 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG, 36% đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2 đến 4 năm tới.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc kỹ Thuật về ESG của Công ty Tư vấn và đào tạo SMP đã hệ thống khá chi tiết hành lang pháp lý tại Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp chủ động thực hành ESG.
Ông Tuấn cũng cho biết, Việt Nam đã có những cam kết quan trọng về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, như năm 2030 sẽ giảm phát thải khí nhà kính từ 9% (thông qua các nguồn lực trong nước) đến 27% (với sự hỗ trợ của quốc tế); Chấm dứt nạn phá rừng vào 2030; Loại bỏ dần nhiệt điện than vào 2024; Đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào 2050.
Tham luận của ông đề cập về các mặt sáng của báo cáo ESG, gồm thúc đẩy tiêu chuẩn ESG; Tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình; Tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Ở chiều ngược lại, các ‘mặt tối’ cũng được nhận diện, gồm những góc khuất trong kiểm kê khí nhà kính, trong báo cáo lộ trình NetZero hay trong báo cáo ESG tổng thể.
Nguồn: báo Công Thương