Nước ta đã thực hiện thành công Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) với Ngân hàng Thế giới (WB) khi chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon với giá hơn 51,5 triệu USD trong năm 2023.
Vậy tín chỉ carbon là gì? Việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, mua bán tín chỉ carbon diễn ra như thế nào? Việt Nam đang thực hiện những chương trình, kế hoạch nào về chuyển nhượng tín chỉ carbon? Để giải đáp những nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Hồng Lượng, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, tín chỉ carbon là gì và tiềm năng về phát triển thị trường carbon rừng ở nước ta hiện nay như thế nào?
Đồng chí Phạm Hồng Lượng: Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Việt Nam là nước có diện tích rừng tương đối lớn. Theo công bố về hiện trạng rừng năm 2023, tổng diện tích rừng nước ta vào khoảng 14,8 triệu héc-ta. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 10,1 triệu héc-ta, rừng trồng khoảng 4,7 triệu héc-ta, tỷ lệ che phủ rừng là 42,02% diện tích.
Với tỷ lệ diện tích rừng lớn như vậy thì tiềm năng về hấp thụ khí carbon rừng là rất lớn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã bước đầu triển khai thành công ERPA với WB. Quá trình triển khai thỏa thuận này, WB đánh giá cao nỗ lực của nước ta khi thực hiện các nội dung về quản lý, bảo vệ rừng và giảm phát thải, tăng hấp thụ khí carbon từ rừng tại khu vực này.
Đồng chí Phạm Hồng Lượng.
PV: Đồng chí có thể cho biết những thông tin khái quát về thỏa thuận nêu trên?
Đồng chí Phạm Hồng Lượng: Theo thỏa thuận này, trong giai đoạn 2018-2024, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 (tương đương 10,3 triệu tín chỉ carbon) ở vùng Bắc Trung Bộ (gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua WB với đơn giá 5USD/tín chỉ, tương đương với hơn 51,5 triệu USD. Thỏa thuận là một chặng đường dài và được chia làm 3 giai đoạn, có sự hỗ trợ lớn của WB bằng việc thông qua FCPF giúp chúng ta nghiên cứu khả thi, hình thành thỏa thuận.
Năm 2020, chúng ta bắt đầu quá trình đàm phán và ký thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon rừng. Kỳ 1 đã xác định kết quả giảm phát thải của giai đoạn 2018-2019 là 16,2 triệu tấn CO2. Sau khi được WB công nhận, chúng ta đã chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon với tổng giá trị hơn 51,5 triệu USD.
Ngày 8-8-2023, WB đã thanh toán tiền thỏa thuận đợt 1 là 41,2 triệu USD (tương ứng với 80% kết quả giảm phát thải theo thỏa thuận đã ký). Sau khi nhận được số tiền thanh toán đợt 1, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt kế hoạch sử dụng nguồn thu và tổ chức điều phối cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ; các địa phương đang tiến hành phân bổ và chi trả số tiền này đến các chủ thể tham gia thỏa thuận.
Tiếp đến giai đoạn 2021-2022, Bộ NN-PTNT xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Từ nay đến năm 2025 sẽ còn hai kỳ báo cáo kết quả giảm phát thải theo thỏa thuận với WB. Dự kiến trong năm 2024, chúng ta sẽ hoàn thành báo cáo kỳ 2.
PV: 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã tiến hành chi trả tiền cho các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức, đơn vị tham gia ERPA. Đồng chí đánh giá như thế nào về lợi ích mà thỏa thuận này đem lại cho các chủ thể?
Đồng chí Phạm Hồng Lượng: Lợi ích lớn nhất mà thỏa thuận này mang lại là sự thay đổi tư duy, giúp các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nỗ lực, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Đồng thời, các chủ thể cũng được hưởng lợi từ việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng, gồm các lợi ích trực tiếp và gián tiếp.
Lợi ích trực tiếp như nguồn thu từ lâm sản, trồng và khai thác dược liệu dưới tán rừng, hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường… Lợi ích gián tiếp chính là lợi ích kinh tế bổ sung từ chuyển nhượng kết quả giảm phát thải thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng hay còn gọi là lợi ích từ “chuyển nhượng không khí”.
Đây có thể nói là cách tiếp cận phát huy giá trị đa dụng của rừng, tính toán tổng hòa các giá trị kinh tế từ rừng mà chủ rừng, người dân được hưởng. Thông qua thỏa thuận này giúp thúc đẩy việc quản lý rừng bền vững trong quá trình thực hiện theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo vệ và phát triển rừng để tăng hấp thụ khí carbon. Thỏa thuận cũng giúp người dân cải thiện điều kiện kinh tế, nâng cao mức sống, phát triển sinh kế và tăng cường nhận thức để họ có động lực tiếp tục tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Đối với các chủ rừng là tổ chức, công ty lâm nghiệp thì việc thực hiện chi trả tiền từ thỏa thuận bán tín chỉ carbon đã giúp thay đổi quan niệm, cách thức tiếp cận trong quản trị rừng, quản lý và bảo vệ, phát triển rừng ngày càng hiệu quả. Trên phạm vi 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon từ thỏa thuận này đã giúp hơn 70.000 chủ thể là các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách, tác động rất sâu rộng tới phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
PV: Kế hoạch của Cục Lâm nghiệp trong việc tiếp tục thực hiện các thỏa thuận về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon rừng trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?
Khu rừng ở đỉnh núi U Bò nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) tham gia vào Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: THANH HIẾU
Đồng chí Phạm Hồng Lượng: Năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong lần dự Hội nghị COP26 đã ký Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) về việc chuyển nhượng giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF khoảng 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, với giá 10USD/tín chỉ, dự kiến nhận về 51,5 triệu USD… Cơ chế cũng tương tự như thỏa thuận với WB. Bộ NN-PTNT giao Cục Lâm nghiệp tiếp tục đàm phán với LEAF về thỏa thuận này. Bên cạnh đó, Cục Lâm nghiệp cũng đang tập trung xây dựng dự thảo các quy định về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, quản lý đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Đồng thời tham mưu cho Bộ NN-PTNT phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trong việc xây dựng các quy định về hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và kinh doanh tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon;
Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Vì những vấn đề về trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon còn khá mới ở nước ta nên Bộ NN-PTNT sẽ phải tiếp tục cùng các ban, bộ, ngành hoàn thiện những cơ chế, chính sách. Vừa qua, chúng tôi đã dự thảo một số quy định có liên quan đến trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần phải có một nghị định riêng về vấn đề tín chỉ carbon nên chúng tôi tiếp tục tham mưu, nghiên cứu, đề xuất cụ thể trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về quyền carbon; xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, đo đạc, kiểm kê trong lĩnh vực lâm nghiệp, xác định tiềm năng trữ lượng khả năng giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon rừng của các địa phương khác ở trong nước… theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tóm lại, còn rất nhiều việc phải làm để tiến tới hoàn thiện thị trường tín chỉ carbon nói chung và thị trường tín chỉ carbon rừng nói riêng.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
TUẤN PHONG (thực hiện)
———————————–
Tiến sĩ NGÔ SỸ HOÀI, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Cơ hội để kinh doanh tín chỉ carbon rừng
Tôi nghĩ rằng tiềm năng thương mại tín chỉ carbon rừng của nước ta là rất lớn. Chúng ta cũng đang xây dựng một lộ trình, chuẩn bị một cơ chế cần thiết để từ năm 2028 có thể vận hành thị trường tín chỉ carbon bắt buộc áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước.
Tiến sĩ Ngô Sĩ Hoài.
Thông qua đó, các doanh nghiệp của chúng ta đều phải hướng tới phát thải ròng bằng 0 bằng cách có thể đóng thuế carbon hoặc mua tín chỉ carbon. Đây là cơ hội để hoạt động chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, kinh doanh mua bán tín chỉ carbon rừng phát triển.
———————————–
Ông PHẠM HỒNG THÁI, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng: Thêm nguồn kinh phí để người dân tích cực bảo vệ rừng
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là chủ rừng tham gia ERPA và đã nhận được số tiền 20,3 tỷ đồng trong năm 2023. Số tiền này đang được chi trả cho các đối tượng. Sắp tới, chúng tôi dự kiến tiếp tục được nhận thêm khoảng 20 tỷ đồng. Nguồn tiền này chủ yếu được chi trả cho người dân, cộng đồng dân cư đang tham gia bảo vệ rừng, sống liền kề với rừng.
Đây là một nguồn kinh phí rất ý nghĩa đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguồn kinh phí này được sử dụng hợp lý sẽ giúp cải thiện đời sống vật chất, hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân sống gần rừng và liền rừng với rừng đặc dụng.
Phút nghỉ ngơi của người dân địa phương và lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) – vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: TUẤN ANH
Theo các quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP và sổ tay hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh Quảng Bình, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiến hành thành lập ban chỉ đạo, các tổ công tác liên quan để tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể, chính xác những đối tượng được chi trả tiền từ thỏa thuận này, bao gồm: Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tham gia công tác bảo vệ rừng nằm tiếp giáp với ranh giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Chúng tôi đã xác định được 37 thôn, bản ở 13 xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn 3 huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình.
Cụ thể, chúng tôi sẽ chi trả số tiền này như sau: Một phần được chi trả dựa theo việc nhận giao khoán bảo vệ rừng của các hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Tiếp đến sẽ chi trả 50 triệu đồng cho mỗi thôn, bản để hỗ trợ sinh kế. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành rà soát các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tham gia nhận giao khoán, bảo vệ rừng tại các thôn, bản…
———————————–
Ông NGUYỄN VÕ TRƯỜNG AN, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN: Phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Cơ chế về tín chỉ carbon nên được xem là một khoản tài chính cộng thêm để ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động giảm phát thải, trong đó có lâm nghiệp, trồng rừng, giữ rừng, bảo vệ rừng.
Đối với thị trường mua bán tín chỉ carbon, chúng ta đang thiếu nguồn cung do có quá ít dự án về sản xuất giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính được triển khai ở nước ta. Trong khi đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang đưa ra quy định những mặt hàng được nhập khẩu phải tuân thủ các quy định về sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, để tạo được tín chỉ carbon, doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững, bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.
Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ ngày 1-10-2023 đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU. CBAM chính thức áp dụng từ năm 2026 ở nhiều lĩnh vực sẽ tác động đến nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Rõ ràng, nhu cầu mua bán tín chỉ carbon ở Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường như châu Âu là rất lớn. Nếu chúng ta không phát triển những dự án tín chỉ carbon khác bên cạnh dự án về rừng và nông nghiệp thì sẽ không đủ nguồn cung trong tương lai.
Đoàn kiểm tra của Ngân hàng Thế giới cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam kiểm tra thực địa khu vực thực hiện hấp thụ CO2 tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cung cấp
Việt Nam triển khai các hoạt động liên quan đến kinh doanh tín chỉ carbon sau thế giới khá nhiều, vì vậy cần có sự hợp tác quốc tế. Cụ thể, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nhận được sự hỗ trợ chuyển giao về công nghệ.
Ví dụ, về lĩnh vực tín chỉ carbon rừng, chúng ta cần tạo điều kiện để các tổ chức, đơn vị là các vườn quốc gia, các lâm trường, doanh nghiệp có cơ chế để hợp tác nhiều hơn với các tổ chức quốc tế. Đồng thời, với những dự án tín chỉ carbon khác, có thể kêu gọi đầu tư từ các quỹ tài chính xanh trên thế giới.
Thị trường tín chỉ carbon là gì?
Thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2. Các công ty hoặc cá nhân có thể sử dụng thị trường tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Việc mua bán tín chỉ carbon được quản lý bởi chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm đặt ra giới hạn về lượng khí nhà kính (tính bằng một đơn vị CO2) có thể được thải ra. Các doanh nghiệp sẽ được phân bổ một lượng carbon cụ thể mà họ có thể thải ra hằng năm. Nếu vượt quá giới hạn này, họ cần mua tín chỉ carbon hoặc đền bù carbon. Nếu không vượt quá giới hạn, họ có thể bán tín chỉ carbon chưa sử dụng.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân