Ngôn ngữ: 

(+84) 911 807 668 - (+84) 911 807 667

Search
Close this search box.

CHỦ TỊCH CT GROUP TRẦN KIM CHUNG KHÁT VỌNG GÓP PHẦN ĐƯA TÂY NAM BỘ THÀNH ĐỒNG BẰNG SỐ MỘT THẾ GIỚI

CT GROUP

Dù tất bật với lịch trình trong nước và quốc tế, ông Trần Kim Chung – Chủ tịch Tập đoàn CT Group, người “thuyền trưởng” kiên định và cần mẫn này vẫn dành cho chúng tôi ít phút để trải lòng về một dự án được ông xem là vô cùng ý nghĩa trước đại lễ mừng tập đoàn tròn 30 tuổi. Dự án được ông xem là món quà tri ân mảnh đất miền Tây đầy duyên nợ, nơi CT Group đã từng đầu tư kinh doanh, từ một công ty xuất khẩu trở thành một tập đoàn đa ngành nghề với quy mô toàn cầu.

Ông Trần Kim Chung: Thực ra ý tưởng về dự án này đã có từ chục năm trước, cũng có một vài đơn vị nghiên cứu nhưng nói chung chưa ai thực hiện. Nguyên nhân vì nhiều khó khăn, chi phí lớn và khả năng thu hồi vốn thấp. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách toàn diện thì đây là một dự án đem lại giá trị rất cao về kinh tế xã hội và về hạ tầng. Bởi chưa có tuyến đường sắt nào có thể nối liền vùng đồng bằng chiếm đến hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả lương thực của cả nước.

Chúng ta có thể tưởng tượng là hoa quả, tôm cá của miền Tây Nam bộ nếu được lên TP.HCM chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ thì sẽ đảm bảo được chất lượng và hiệu quả như thế nào. Sẽ không còn những chuyến xe tải chạy “bán sống bán chết” để cá tôm không ươn hoặc hoa quả không hư. Tuyến đường sắt này sẽ giúp kéo giảm số tai nạn giao thông cũng như khí thải, giúp Miền Tây hướng về phát triển xanh bền vững hơn.

Quan trọng hơn cả là miền Tây Nam bộ đang cần một cú hích để phát triển tương ứng với tiềm năng của nó. Hiếm có nơi nào trên thế giới có một đồng bằng giá trị như thế. Nếu chúng ta nói đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng số một thế giới cũng không sai. Rất bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cây cỏ xanh mướt, phù sa được bồi đắp hằng năm, vị trí chiến lược kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, dân số trẻ dồi dào, chăm chỉ. Riêng dân số miền Tây cũng đã bằng 3 nước châu Âu là Na Uy, Bỉ và Phần Lan cộng lại. Thế nhưng, dù sở hữu một đồng bằng rất giá trị như thế nhưng người miền Tây vẫn chưa thể giàu có trên quê hương mình được. Họ vẫn phải đi làm thuê ở miền Đông Nam bộ, ở nhiều nơi khác. Nếu có thể làm được điều gì đó cho Tây Nam bộ thì có lẽ đường sắt cao tốc chính là sự khởi đầu rất giá trị nhất. Dần dần miền Tây sẽ thực sự trở thành đồng bằng số một thế giới.

PV: Vậy dự án đường sắt nối liền cao tốc nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Tây Nam bộ sẽ giúp đồng bằng này “thay da đổi thịt” thế nào thưa ông?

Ông Trần Kim Chung: Như tiến sĩ Trần Du Lịch đã phát biểu trong một hội thảo, tuyến đường sắt cao tốc Sài Gòn – Cần Thơ sẽ giúp Tây Nam bộ lột xác, với sự hình thành của 12 đô thị đường sắt dọc theo tuyến đường. Mỗi đô thị đường sắt sẽ bao gồm các cơ sở khoa học kỹ thuật, logistic, thương mại dịch vụ, đô thị thông minh hiện đại… với ga tàu là trung tâm. Mỗi ga tàu sẽ được thiết kế đặc biệt để thể hiện được bản sắc của mỗi tỉnh. Người miền Tây có thể đi làm ở Sài Gòn và quay về miền Tây trong ngày.

Dự án đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ nối 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.HCM và Cần Thơ có chiều dài 174 km, tổng vốn là hơn 170.000 tỉ đồng, với 13 ga đi qua 6 địa phương

Tuy nhiên, Tây Nam bộ không chỉ cần hạ tầng mà còn cần cả công nghệ nữa. “Đường tắt” giúp miền Tây rút ngắn được khoảng cách với thế giới chính là công nghệ. Hiện tại, rất ít công nghệ mới của thế giới đổ về miền Tây, một phần cũng bởi những hạn chế trong hạ tầng giáo dục và hạ tầng giao thông. Theo chân sự phát triển của hạ tầng mà cụ thể là tuyến đường sắt cao tốc, những trung tâm công nghệ cao, trung tâm khoa học cũng bắt đầu xuất hiện tại các đô thị mới. Quá trình đô thị hóa nhanh, có trọng điểm và có tính toán sẽ thu hút công nghệ và giúp Tây Nam bộ thực sự phát triển.

Hãy nhìn hình ảnh của Trung Đông và Israel. Nếu so sánh với hai khu vực này thì Tây Nam bộ gần như là thiên đường. Thế nhưng sự phát triển của Israel hay Dubai hiện tại so với miền Tây cũng là “một trời một vực”. Tháng 6 vừa rồi, chúng tôi cũng đã khai trương hai văn phòng mới, một ở Dubai, phát triển trong lĩnh vực Công nghệ tài chính Fintech và một ở Israel chuyên phát triển công nghệ gen và tế bào. Mỗi khu vực đều có một công thức công nghệ thành công riêng mà nếu áp dụng cho miền Tây, tôi tin đồng bằng này sẽ sớm chuyển mình mạnh mẽ.

PV: Cụ thể, Tây Nam bộ có thể học hỏi gì từ mô hình thành công của Dubai và Israel?

Ông Trần Kim Chung: Công thức thành công của Israel đến từ giáo dục, còn Dubai thì là vốn, tài nguyên thiên nhiên và tầm nhìn của lãnh đạo. Tất nhiên hiện nay tài nguyên thiên nhiên chỉ đóng góp 10% trong GDP của Dubai, tức là không phải dầu mỏ quyết định tất cả, song đó vẫn là cơ sở để thu hút vốn hiệu quả. Từ đây, Dubai có lực để phát triển nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ mới, chẳng hạn như tiền điện tử với danh xưng “thủ phủ crypto thế giới”. Để giải quyết bài toán vốn cho miền Tây, chúng ta cần tạo một nền tảng hấp thụ vốn hiệu quả.

Riêng Israel thì đã phát triển đến một nền kinh tế tri thức. Giáo dục mang đến gia tốc và giúp Israel tăng trưởng bền vững. Đơn cử như năm 2021, nguồn vốn đổ vào các công ty khởi nghiệp của Israel lên đến gần 30 tỉ USD, mặc dù đang trong mùa dịch. Con số này cao hơn hẳn FDI của nhiều nước. Trong năm vừa qua, số doanh nghiệp kỳ lân (Unicorn) của Israel lên tới 60. Trong khi các doanh nghiệp dạng này ở Đông Nam Á chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta hay nhắc nhiều về nền kinh tế tuần hoàn, nhưng theo tôi trước hết phải có kinh tế tri thức trước đã.

Vốn và giáo dục là hai thứ rất cần cho miền Tây. Giải được hai bài toán ấy thì Tây Nam bộ sẽ chẳng thua gì so với Dubai hay Israel cả. Tôi tin rằng Nhà nước ít nhiều cũng đã thấy được chuyện này và đã có những chính sách để khai phá tiềm năng vĩ đại của đồng bằng này.

PV: Ông có thể chia sẻ lý do nào khiến ông tâm huyết và nặng tình với mảnh đất miền Tây đến như vậy?

Ông Trần Kim Chung: CT Group và miền Tây có rất nhiều duyên nợ và kỷ niệm. Ở những năm 1992-1996 khi tập đoàn bắt đầu thành lập, thị trường có rất ít cơ hội kinh doanh. Lúc đó xuất khẩu để thu ngoại tệ rất quan trọng và ai làm được điều này sẽ trở nên vô cùng đặc biệt. Một trong những công việc đầu tiên mà chúng tôi thực hiện chính là phát triển xuất khẩu từ Tây Nam bộ.

Ngày đó việc xuất khẩu vô cùng gian nan, để sản xuất được đã khó, đem ra thế giới lại càng khó hơn. Tuy nhiên trong một thời gian rất ngắn, CT Group đã làm được. Chúng tôi trở thành đơn vị xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam thời bấy giờ, nhất là trong những ngành đặc biệt như sản xuất lưới xơ dừa bảo vệ môi trường đi Hàn Quốc và Nhật. Thời điểm đó, xí nghiệp sản xuất lưới xơ dừa của CT Group nằm ở Mỏ Cày, muốn đi đến nơi phải qua hai phà Hàm Luông và Rạch Miễu, mất khoảng 5-6 tiếng đồng hồ. Sau đó, chúng tôi cũng trở thành đơn vị xuất khẩu gạo đi Đông Âu rất lớn thời bấy giờ, sở hữu nhà máy chế biến gạo ở Long An, ngay đường rẽ vào hướng Tân Trụ. Đồng thời cũng nhanh chóng xuất khẩu thuỷ sản đi Hàn Quốc, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tất cả đều bắt nguồn từ miền Tây.

CT Group giai đoạn đó cũng là đơn vị sản xuất điện thoại bàn, lắp đặt và trang bị ở miền Tây khá nhiều. Chúng tôi cũng là đơn vị mở showroom mỹ phẩm đầu tiên lớn nhất của Cần Thơ, Long Xuyên…, chiếm lĩnh thị trường miền Tây về mỹ phẩm.

Cũng chính vì tình cảm và mối lương duyên này mà khi Báo Thanh Niên phát động cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây, CT Group đã trở thành đơn vị đồng hành như một sự tri ân.

PV: Ngoài dự án đầu tư xây dựng Tuyến cao tốc nối liền Sài Gòn với Tây Nam bộ, CT Group còn đặt những mục tiêu gì trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập và trong tương lai xa hơn không thưa ông?

Ông Trần Kim Chung: Có thể nói năm nay rất đặc biệt với CT Group. Chúng tôi đang đứng ở thời khắc “giao thừa” giữa hai giai đoạn cũ và mới. Để chuẩn bị sự kiện này, tập đoàn cũng đã ráo riết chuẩn bị từ nhiều năm trước. Chẳng hạn tiến nhanh và đứng vững ở những ngành công nghệ mũi nhọn của Việt Nam như trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính, công nghệ tế bào và gen, công nghệ máy bay không người lái… Chúng tôi kỳ vọng sẽ trở thành nhân tố tích cực trong cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4 của đất nước.

Thành tựu thứ hai để chuẩn bị đại lễ kỷ niệm 30 năm này là hoàn thành hai mục tiêu lớn, đó là toàn quốc và toàn cầu hoá. Trong một thời gian ngắn, tập đoàn đã có sự hiện diện ở các vùng khác nhau của đất nước, từ Tây Bắc đến Đông Bắc, Hà Nội, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, miền Đông, Tây Nam bộ và dĩ nhiên là vùng quanh TP.HCM. Tập đoàn cũng đã có văn phòng ở Israel, UEA, Canada, Singapore, Mỹ, Thụy Sĩ… bước đầu có mặt ở những vùng quan trọng trên toàn cầu. Các văn phòng này đóng vai trò tích cực trong việc xúc tiến hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Đặc biệt là đưa thành tựu khoa học công nghệ mới về giúp Việt Nam hay những vùng nhiều tiềm năng như miền Tây rút ngắn khoảng cách với thế giới.

Văn phòng đại diện của CT Group tại trung tâm Tel Aviv, Israel
Trụ sở Realcoin Global tại “thủ phủ crypto thế giới” Dubai

Chúng tôi cũng đang ráo riết tuyển dụng 25.000 cán bộ nhân viên tại Việt Nam cũng như chuyên gia các nước, hợp tác chiến lược với 10 trường đại học và các viện để chuẩn bị nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức cũng như kỹ năng, có tính sáng tạo cao để hấp thụ sự đổi mới, sáng tạo của thế giới. Riêng vấn đề vốn cũng được CT Group quan tâm rất sát sao. Sắp tới CT Land sẽ tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước và quốc tế, tiến đến chinh phục mục tiêu 3 năm tới đạt giá trị 5 tỷ USD vào năm 2025.

PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện và chúc ông cùng CT Group sớm chinh phục được các mục tiêu đề ra trong 30 năm tới, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của Việt Nam.

Báo Thanh Niên 

01.08.2022

TIN TỨC LIÊN QUAN