Ngày 22/7/2025, CT Group và Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ lượng tử và tài trợ 100 tỷ đồng cho phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài… đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chiến lược quốc gia.
Sự kiện “Lễ ký kết hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm chiến lược quốc gia và thực hiện Kế hoạch 01-KH/BCĐTW ngày 02/6/2025 nhằm triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW” giữa CT Group và ĐHQG-HCM, hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ cao và thúc đẩy mô hình liên kết “Ba nhà” (Nhà nước, Nhà trường, Nhà Doanh nghiệp) theo một cấu trúc mới, đa chiều và đột phá.
Cụ thể, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác về công nghệ vi mạch bán dẫn và thỏa thuận hợp tác về công nghệ lượng tử, khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, có vai trò then chốt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. CT Group và ĐHQG-HCM sẽ phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở cả hai lĩnh vực. Với công nghệ vi mạch bán dẫn như chip trí tuệ nhân tạo cận biên (Edge AI SoC), chip khuếch đại, mô-đun thu phát siêu cao tần công suất lớn, Chip vi điều khiển đa dụng 32 bit (RISC-V, một hoặc đa lõi), chip thu phát thông tin vô tuyến cho IoT/UAV… Đối với công nghệ lượng tử, sẽ hợp tác trong xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ lượng tử; Phát triển năng lực đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu; Nghiên cứu phát triển giải pháp công nghệ và ứng dụng thực tiễn…
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa CT Group và ĐHQG-HCM
Đại diện CT Group nhấn mạnh vai trò của ĐHQG-HCM trong việc tư vấn, thẩm định kỹ thuật các startup công nghệ lượng tử kết nối với CT Group, đồng thời đề xuất đẩy mạnh xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung nhằm tối ưu hóa nguồn lực và hợp tác hiệu quả.
Ông Trần Kim Chung – Chủ tịch Tập đoàn CT Group chia sẻ: “Hiện nay, một trong những điều mà chúng tôi rất trăn trở là làm sao để ĐHQG-HCM chúng ta có thể đào tạo ra được một đội ngũ tinh anh, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bán dẫn, đủ tầm vóc để đại diện cho Việt Nam, tự tin giới thiệu những sản phẩm công nghệ cao của chúng ta ra thế giới. Thứ hai, chúng ta cần mở rộng hợp tác không chỉ dừng lại ở sản xuất chip, mà chúng ta còn cần tìm cách tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm “Make in Vietnam” trong ngành bán dẫn.
Thứ ba, về chiến lược phát triển công nghệ lượng tử. Đây là một chương trình mà tôi gọi là “gieo hạt”. Nếu ngày hôm nay chúng ta không gieo hạt, thì ngày mai sẽ không có cây và ngày mốt sẽ không có thu hoạch. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải gieo hạt ngay từ bây giờ. Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi đã nghiên cứu hàng trăm startup về lượng tử và rất mong muốn được hợp tác với ĐHQG-HCM trong việc thẩm định, đánh giá tiềm năng kỹ thuật của các startup này. Khi có một công ty startup lượng tử từ nước ngoài về Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm rất nhiều điều kiện để cùng nhau nghiên cứu, phát triển. Cuối cùng, về việc khai thác hiệu quả các phòng thí nghiệm và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Các phòng thí nghiệm của ĐHQG-HCM sẽ là những hạt nhân rất quan trọng trong việc phát triển ngành công nghệ bán dẫn và lượng tử. Tôi mong rằng chúng ta sẽ sớm xây dựng và có cơ chế phối hợp để khai thác tối đa các phòng thí nghiệm chung này”.
Phía ĐHQG-HCM cũng khẳng định năng lực phát triển công nghệ với nền tảng vững chắc, đội ngũ nghiên cứu liên ngành từ trường Đại học Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ Thông tin… và cũng đã đăng ký 50 sản phẩm lõi về chip bán dẫn để triển khai. Đặc biệt, việc được phê duyệt xây dựng phòng thí nghiệm quốc gia với 4 phòng thí nghiệm nhỏ theo từng quy trình sản xuất chip, với tổng kinh phí khoảng 750 tỷ đồng, càng khẳng định tiềm lực về cơ sở vật chất và con người.
Đại diện ĐHQG-HCM nhận định rằng, để phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như bán dẫn hay lượng tử, yếu tố con người là cốt lõi. ĐHQG-HCM có đội ngũ, có tiềm năng, nhưng để thu hút và giữ chân những nhà khoa học thực sự đầu ngành, những người có thể làm chủ những công nghệ phức tạp, luôn là một thách thức lớn về mặt kinh phí. “Thông qua hợp tác giữa ĐHQG-HCM và CT Group, chúng tôi tin rằng mình đã tìm ra một hướng đi mới, một giải pháp sáng tạo. Hai bên sẽ cùng nhau góp sức, huy động nguồn lực để mời gọi những nhà khoa học xuất sắc về đây làm việc, cùng nhau thực hiện các dự án chung giữa hai bên. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ có những dự án có tầm vóc, và quan trọng hơn, chúng ta sẽ chia sẻ nguồn lực để mời được những nhà khoa học gạo cội, giàu kinh nghiệm về cống hiến cho sự nghiệp chung giữa hai bên. Tôi thực sự nhìn thấy đây là một mô hình rất lớn, một mô hình đa ngành đầy tiềm năng. Và trong tương lai, mô hình này hoàn toàn có thể được mở rộng, nhân rộng với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp khác”, PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM, phát biểu tại sự kiện.
CT Group tài trợ cho người học và các hoạt động an sinh xã hội của ĐHQG-HCM
Bên cạnh hợp tác chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ, CT Group tài trợ cho người học và các hoạt động an sinh xã hội của ĐHQG-HCM 100 tỷ đồng trong 10 năm (2025 – 2035). Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ học phí cho đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành công nghệ cao, chi trả lãi vay cho sinh viên, chi phí bếp ăn chia sẻ và học bổng cho học sinh, sinh viên… góp phần ươm mầm tài năng và tạo điều kiện học tập tốt nhất.
Đồng thời, CT Group sẽ là đối tác đồng hành cùng ĐHQG-HCM trong Chương trình Thu hút nhân tài “VNU-CT Global Fellowship for Innovation”, với mục tiêu thu hút các nhà khoa học, chuyên gia, và nhân tài trên toàn thế giới về công tác, nghiên cứu tại ĐHQG-HCM trong các lĩnh vực công nghệ cao mà CT Group đặc biệt quan tâm.
Sự hợp tác toàn diện và sâu rộng giữa CT Group và ĐHQG-HCM được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá quan trọng, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nước nhà.
________________________
Theo dõi CT Group trên Facebook để cập nhật thêm thông tin và tin tức mới nhất!