Nếu như TSMC là biểu tượng quyền lực không thể thay thế, thì UMC chính là “trụ cột thứ hai” vẫn đang âm thầm xây dựng một đế chế vững chắc trong ngành bán dẫn, hình mẫu cho các doanh nghiệp công nghệ châu Á.
Từ viện nghiên cứu đến đế chế công nghiệp: cú hích cho bước chuyển mình của Đài Loan
United Microelectronics Corp (UMC) ra đời năm 1980, là công ty bán dẫn đầu tiên của Đài Loan tách ra từ Viện nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI) – tổ chức nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc ươm mầm đổi mới và chuyển giao công nghệ. Khác với nhiều công ty đương thời chú trọng vào thiết kế sản phẩm đầu cuối, UMC chọn một hướng đi khác biệt: trở thành nhà sản xuất chip theo đơn đặt hàng, phục vụ các công ty thiết kế không sở hữu nhà máy (fabless).
Chính chiến lược đó đã giúp UMC nhanh chóng bước vào trung tâm chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, khi các “ông lớn” như Qualcomm, Broadcom, MediaTek, Realtek, Texas Instruments cần những đối tác có khả năng sản xuất ổn định, chất lượng cao và đáng tin cậy.
Trong suốt những năm 1990 và 2000, UMC không ngừng mở rộng quy mô. Họ đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng nhiều nhà máy (fabs) tại Đài Loan, Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục. Đặc biệt, năm 2000, UMC trở thành công ty bán dẫn đầu tiên của Đài Loan niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) – một dấu mốc cho thấy khát vọng toàn cầu hóa và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Trụ sở UMC tại Khu Công viên Khoa học Tân Trúc
Chiến lược cạnh tranh khác biệt và dấu ấn của “kiến trúc sư trưởng”
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ cả TSMC và các đối thủ mới nổi đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, UMC đã tái định vị chiến lược cạnh tranh. Thay vì tham gia vào cuộc đua tiêu tốn hàng chục tỷ USD để phát triển công nghệ siêu tiên tiến như 5nm, 3nm – vốn chỉ phục vụ một số phân khúc giới hạn – UMC lựa chọn tập trung vào các công nghệ trưởng thành như 28nm, 40nm, 65nm, vốn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường chip toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực ô tô, điện tử tiêu dùng, IoT, công nghiệp và y tế.
Chiến lược này giúp UMC trở thành một đối tác sản xuất ổn định, linh hoạt và có chi phí cạnh tranh tối ưu, thay vì đầu tư vào các công nghệ còn nhiều rủi ro. Đồng thời, đây cũng là nền tảng để công ty triển khai chuỗi cung ứng bền vững, ứng dụng AI, tự động hóa và tiêu chuẩn ESG trong sản xuất.
Một phần quan trọng của tầm nhìn chiến lược này gắn liền với ông Tuyên Minh Chí (Stanley Tzuwen Chen) – người từng giữ chức Chủ tịch kiêm CEO của UMC, hiện là Phó Chủ tịch danh dự kiêm cố vấn chiến lược. Ông gia nhập UMC từ những ngày đầu thành lập, đồng hành qua nhiều giai đoạn then chốt. Dưới sự lãnh đạo của ông, UMC thực hiện hàng loạt thương vụ sáp nhập chiến lược, tái cấu trúc quản trị và mở rộng hợp tác với các công ty thiết kế chip toàn cầu.
Điều đáng chú ý là ông không bị cuốn vào lối tư duy tăng trưởng ngắn hạn. Ngược lại, ông đặt trọng tâm vào việc xây dựng nội lực công nghệ, phát triển con người và giữ vững bản sắc công nghiệp Đài Loan giữa làn sóng toàn cầu hóa. Tư duy này giúp UMC duy trì vị thế ổn định bất chấp sự trỗi dậy của các đối thủ, đồng thời đảm bảo rằng công ty không chỉ lớn mạnh, mà còn bền vững.
Từ chip bán dẫn đến tế bào gốc
Với tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng, ông Tuyên Minh Chí còn có nhiều thành công nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đặc biệt là tế bào gốc và y sinh tái tạo – những lĩnh vực được ví như “bán dẫn mới” của thế kỷ 21.
Ông đầu tư nghiên cứu, viết sách phổ biến kiến thức, kết nối cộng đồng chuyên gia, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Với ông, thế kỷ này không chỉ cần thiết bị thông minh, mà còn cần giải pháp sinh học kéo dài tuổi thọ, nâng cao sức khỏe và chất lượng sống.
_________________________
Theo dõi CT Group trên Facebook để cập nhật thêm thông tin và tin tức mới nhất!