Khác với các Trung tâm Đổi mới sáng tạo trước, Trung tâm Đổi mới sáng tạo CT Group – CT Innovation Hub mở ra thế giới 4.0 của đổi mới sáng tạo.
Sáng ngày 29-4-2025, CT Innovation Hub được khánh thành tại số 20 Trương Định, Quận 3, TP HCM, đánh dấu một bước chuyển mình táo bạo trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Trung tâm này phá vỡ mô hình truyền thống, tập trung khai thác sức sáng tạo của nhân tài 4.0, kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời kích hoạt hệ sinh thái đổi mới dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Ông Trần Kim Chung – Chủ tịch Tập đoàn CT Group chia sẻ: “Chúng tôi đang cùng với Liên minh các Trung tâm Đổi mới sáng tạo thế hệ 4.0, quyết tâm kích hoạt phong trào sáng tạo trong giới trẻ – những người sẽ lãnh đạo Việt Nam tương lai. Đổi mới sáng tạo không chỉ là một khẩu hiệu. Nó phải được hiện thực hóa bằng hành động thiết thực, cụ thể và hiệu quả. Chúng tôi mong muốn chung tay cùng Chính phủ, các cơ quan, ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các trí thức trong và ngoài nước, xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Vì vậy, ngày hôm nay chúng tôi thành lập CT Innovation Hub với mong muốn tạo ra môi trường kích thích thế hệ 4.0 không ngừng đổi mới, sáng tạo, cống hiến”.

Dù ghi nhận những bước tiến đáng kể trên bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Theo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 nền kinh tế – tăng 4 bậc so với năm 2023. Tuy nhiên, đằng sau thành tích này là một bức tranh nhiều mặt cần nhìn nhận sâu hơn.
Thứ nhất, tính đến tháng 3-2025, Việt Nam chỉ có vài kỳ lân (startup định giá từ 1 tỉ USD trở lên) – con số rất khiêm tốn nếu so với Israel, quốc gia tạo ra khoảng 60 kỳ lân mỗi năm. Thứ hai, tỷ lệ thất bại của startup tại Việt Nam còn rất cao. Theo Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hơn 90% startup thất bại trong những năm đầu, và 95–97% doanh nghiệp không thể tồn tại sau 5 năm, dù người Việt vốn nổi tiếng học giỏi và sáng tạo.
Thứ ba, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Đổi mới sáng tạo hiện vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Dù cả nước đã có khoảng 20 trung tâm cấp quốc gia, vùng, ngành và địa phương (theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị), nhưng tác động thực sự của các trung tâm này đến nền kinh tế vẫn còn mờ nhạt.
Thứ tư, tuy Việt Nam đã giành 271 huy chương Olympic Toán học quốc tế trong 50 năm qua và số công trình nghiên cứu công bố quốc tế tăng nhanh, nhưng số lượng sáng chế và sản phẩm được thương mại hóa vẫn còn rất hạn chế.
Thứ năm, tình trạng “chảy máu chất xám” đang là vấn đề nhức nhối. Nhiều học sinh xuất sắc từ các trường chuyên như Amsterdam (Hà Nội), Phổ thông Năng khiếu (TP.HCM),… chọn du học. Thống kê cho thấy năm 2022 có hơn 8.850 du học sinh Việt Nam, nhưng chỉ khoảng 1.160 người trở về (13,1%), và tỷ lệ này còn thấp hơn trong năm 2023. Nhiều nguồn cho rằng 70–80% du học sinh chọn ở lại nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc những tài năng người Việt đang góp phần làm giàu cho nền đổi mới sáng tạo của các quốc gia khác, trong khi đóng góp cho quê hương vẫn còn hạn chế.
Tài nguyên có thể hữu hạn, nhưng sức sáng tạo của con người là vô hạn – nếu được khơi dậy và hành động kịp thời. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của CT Innovation Hub không chỉ là một sự kiện doanh nghiệp đơn thuần, mà là bước đi cụ thể trong việc thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị – góp phần thúc đẩy chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia và tìm ra lời giải mới cho hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

CT Innovation Hub là nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy 9 ngành công nghệ mới, đều là những lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết 57 như: Bán dẫn; Trí tuệ nhân tạo; Máy bay không người lái; Tiền số xanh; Sàn tín chỉ Carbon; Nhà xếp không phát thải; Ô tô điện – Tàu điện, Máy tính lượng tử; Năng lượng mới; Gen & Tế bào… đây đều là những lĩnh vực trọng yếu, mang tính quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế số và khoa học công nghệ. Và điểm độc đáo và khác biệt nhất của CT Innovation Hub nằm ở việc nơi này không phải mô phỏng lý thuyết hay trình diễn công nghệ nhập khẩu, mà trực tiếp trưng bày, vận hành hệ sinh thái công nghệ lõi 4.0 hoàn chỉnh do người Việt làm chủ. Tại đây, bạn có thể tận mắt chứng kiến những mẫu máy bay không người lái (UAV), các sản phẩm AI tự phát triển, những mô hình nhà máy bán dẫn, nhà xếp 4.0, những công nghệ ESG phục vụ kinh tế bền vững, hay các nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực công nghệ gene và tế bào….
Sự xuất hiện của CT Innovation Hub cũng đặt nền móng cho việc kiến tạo làn sóng đổi mới sáng tạo thực chiến, đổi mới sáng tạo theo kiểu 4.0 trong giới trẻ, thu hút nhân tài Việt Nam toàn cầu trở về cống hiến. Với CT Innovation Hub, đổi mới sáng tạo đang được tách riêng, khác biệt và hiệu quả.
CT Innovation Hub cùng với Liên minh các Trung tâm Đổi mới sáng tạo thế hệ 4.0 – Innovation Hub Alliance (IHA) liên kết hơn 60 trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và hơn 100 trung tâm đổi mới quốc tế. Mạng lưới này sẽ không chỉ giúp chuyển giao công nghệ mà còn mở rộng dòng chảy tri thức, chia sẻ nguồn lực giữa Việt Nam và quốc tế.
Nguồn: Báo Người Lao Động