Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp (DN) không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường.
Đó là những nội dung chính được đưa ra tại hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm – Kinh nghiệm của EU và thực tiễn tại Việt Nam – Sự tham gia của DN và tổ chức xã hội” do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm (Responsible business practice – RBP) là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Liên Hợp quốc đã công bố Các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người (UNGPs), nhằm thúc đẩy nội dung này trên quy mô toàn cầu và hướng tới hỗ trợ các quốc gia cụ thể hóa thành chương trình hành động của từng quốc gia.
Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong DN là một trong những nhân tố đóng góp vào phát triển bền vững
Phát biểu tại hội thảo, bà Brenda Candries, đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), có hiệu lực vào tháng 8-2020, có một chương riêng về thương mại và phát triển bền vững bao gồm các quy định về lao động quốc tế và tiêu chuẩn làm việc cũng như các cam kết về môi trường mà Việt Nam đã cam kết đã đăng ký.
Theo đó, một trong những bước quan trọng đầu tiên là thiết lập nhóm tư vấn trong nước ở cả phía Việt Nam và EU. Mục đích của nhóm tư vấn trong nước là tư vấn thực hiện chương thương mại và phát triển bền vững.
Liên quan đến hợp tác giữa EU với Việt Nam, chuyển đổi xanh và thực hành kinh doanh có trách nhiệm là nội dung được phản ánh ở 2 trong số 3 lĩnh vực ưu tiên của Chương trình viện trợ đa niên (MIP) giai đoạn 2021-2027 nhằm hỗ trợ 2 trụ cột chính là: nền kinh tế tuần hoàn kỹ thuật số thích ứng với khí hậu và tinh thần kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao kỹ năng để có việc làm thoả đáng.
Bà Brenda Candries, đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huấn, đại diện UNDP, cho rằng để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, điểm mấu chốt chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Ở khía cạnh khác, thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của DN và cả quốc gia, giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho DN cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến DN.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Võ Trường An, đại diện CT Group, cho biết để thực hành kinh doanh có trách nhiệm, CT Group đã xây dựng và triển khai 12 chương trình cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, thực hiện các hoạt động ngoại giao khí hậu, phát triển đô thị và bất động sản bền vững, phát triển công nghệ xây dựng mới, năng lượng mới – năng lượng hydrogen, hệ thống giao thông xanh.
Tuy nhiên, theo ông An, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của DN ở Việt Nam thì các văn bản pháp lý, các luật cũng cần phải có quy định về sự ghi nhận quyền cũng như lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể của từng DN và của từng loại hình DN cụ thể.
Tính đến tháng 10-2019, đã có 25 quốc gia đã đưa các vấn đề kinh |doanh có trách nhiệm vào một phần các chương trình nghị quốc gia. Trong đó, có 23/25 quốc gia đã xác lập Chương trình hành động quốc gia với những mục tiêu cụ thể phù hợp với bối cảnh quốc gia.Tại Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đầu tiên trong khu vực ban hành Chương trình hành động quốc gia (tháng 9-2019). Tại Việt Nam, Bộ Tư pháp chủ trì đã ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Nguồn: báo Sài Gòn Giải Phóng